Thời Hậu Tấn Lý Di Ân

Đầu niên hiệu Thiên Phúc (936-944) thời Hậu Tấn, Lý Di Ân được thăng làm Kiểm hiệu thái úy, Đồng bình chương sự. Sau khi Thạch Trọng Quý tự vị thì được thăng làm Kiểm hiệu thái sư.[4] Năm Quý Mão (943), Nha nội chỉ huy sứ Thác Bạt Sùng Bân âm mưu làm loạn, Tuy châu [c 2] thứ sử Lý Di Mẫn tương trợ.[c 3] Khi âm mưu bị phát hiện, ngày Tân Mùi (25) tháng 8 (27 tháng 9), Lý Di Mẫn cùng 5 đệ chạy đến Diên châu[c 4]. Ngày Giáp Ngọ (19) tháng 9 (20 tháng 10), Lý Di Ân dâng tấu cho Hoàng đế Hậu Tấn Thạch Trọng Quý nói Lý Di Mẫn làm loạn, Thạch Trọng Quý hạ chiếu bắt Lý Di Mẫn giải về Hạ châu (夏州)- thủ phủ của Định Nan, và Lý Di Mẫn bị xử trảm.[9]

Đương thời Hậu Tấn và kình địch là Khiết Đan có các đối kháng quân sự lớn, và Khiết Đan đang viện trợ cho Dương Quang Viễn- một tướng Hậu Tấn nổi dậy tại Bình Lô[c 5]. Ngày Tân Hợi (8) tháng 2 năm Giáp Thìn (5 tháng 3 năm 944), Lý Di Ân dâng tấu cho hoàng đế của Hậu Tấn đề xuất để mình cầm 4 vạn quân từ Lân châu[c 6] vượt Hoàng Hà xâm nhập và cương giới Khiết Đan. Đến ngày Nhâm Tý hôm sau, Thạch Trọng Quý bổ nhiệm Lý Di Hưng làm Khiết Đan tây nam diện chiêu thảo sứ.[10]